A. Đầu tư ra nước ngoài
1. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài
Đầu tư ra nước ngoài là việc nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, sử dụng lợi nhuận thu được từ nguồn vốn đầu tư này để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ở nước ngoài.
Nhà nước khuyến khích đầu tư ra nước ngoài nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường; tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ; tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản trị và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Hoạt động đầu tư ra nước ngoài được điều chỉnh bởi Luật Đầu tư, quy định khác của pháp luật có liên quan, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư (sau đây gọi là nước tiếp nhận đầu tư) và điều ước quốc tế có liên quan.
2. Các hình thức đầu tư ra nước ngoài
Theo Điều 52 Luật Đầu tư 2020, các hình thức đầu tư ra nước ngoài gồm:
- Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài;
- Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó;
- Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài;
- Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
3. Các loại dự án đầu tư ra nước ngoài
a) Các dự án cần xin chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài:
– Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư sau đây:
+ Dự án đầu tư có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20.000 tỷ đồng trở lên;
+ Dự án đầu tư có yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
– Trừ các dự án đầu tư do Quốc hội chấp thuận, Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư sau đây:
+ Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên;
+ Dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 800 tỷ đồng trở lên.
b) Các dự án đầu tư không thuộc trường hợp trên sẽ không phải chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài.
4. Hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Quốc hội/Chính phủ
a) Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
b) Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
c) Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: hình thức, mục tiêu, quy mô, địa điểm đầu tư; xác định sơ bộ vốn đầu tư, phương án huy động vốn, cơ cấu nguồn vốn; tiến độ thực hiện dự án, các giai đoạn đầu tư (nếu có); phân tích sơ bộ hiệu quả đầu tư của dự án;
d) Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
đ) Cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư của tổ chức tín dụng được phép;
e) Văn bản của cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài và báo cáo thẩm định nội bộ về đề xuất đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 59 của Luật đầu tư 2020 hoặc quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật đầu tư 2020;
g) Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài trong các ngành, nghề quy định tại khoản 1 Điều 54 của Luật đầu tư 2020, nhà đầu tư nộp văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật có liên quan (nếu có).
Đối với các dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 59 của Luật đầu tư 2020.
5. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với đối với các dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài
a) Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
b) Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
c) Quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 59 của Luật đầu tư 2020;
d) Văn bản cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư của tổ chức tín dụng được phép theo quy định tại khoản 3 Điều 60 của Luật đầu tư 2020;
đ) Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài trong các ngành, nghề quy định tại khoản 1 Điều 54 của Luật đầu tư 2020, nhà đầu tư nộp văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật có liên quan (nếu có).
6. Cơ quan tiếp nhận và xử lý hồ sơ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
B. Phạm vi dịch vụ của LMP Lawyers, các rủi ro phát sinh nếu khách hàng tự mình thực hiện, ưu thế nếu được sự hỗ trợ của LMP Lawyers
1. Phạm vi dịch vụ
LMP Lawyers có thể hỗ trợ khách hàng thực hiện các công việc trong phạm vi sau đây:
(a) Tư vấn cho khách hàng các vấn đề pháp lý liên quan đến thủ tục cấp phép;
(b) Chuẩn bị danh mục tài liệu và thông tin cần thiết để soạn hồ sơ đáp ứng quy định pháp luật và yêu cầu của cơ quan cấp phép;
(c) Thay mặt khách hàng nộp hồ sơ tại cơ quan cấp phép;
(d) Theo dõi tình trạng giải quyết hồ sơ, kịp thời trao đổi với chuyên viên xử lý hồ sơ khi có phát sinh các yêu cầu điều chỉnh bổ sung;
(e) Thay mặt khách hàng nhận kết quả và gửi kết quả cho khách hàng.
2. Các rủi ro phát sinh nếu khách hàng tự mình thực hiện
Với kinh nghiệm nhiều năm hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép, chúng tôi nhận thấy khách hàng có thể gặp các rủi ro sau đây nếu khách hàng tự mình thực hiện thủ tục:
(a) Việc các văn bản pháp luật quy định không rõ ràng hoặc một điều khoản của văn bản pháp luật này có thể được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hướng dẫn bởi các văn bản pháp luật khác có thể gây khó khăn cho khách hàng trong việc xác định cơ sở pháp lý áp dụng cho thủ tục.
(b) Do không có kinh nghiệm kê khai hồ sơ, khách hàng có thể kê khai chưa đúng yêu cầu của luật và cơ quan nhà nước. Điều này làm cho khách hàng bị mất rất nhiều thời gian để hoàn thành thủ tục, ảnh hưởng tiến độ triển khai các kế hoạch kinh doanh của khách hàng.
(c) Khách hàng xác định sai cơ quan thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ.
(d) Khách hàng không theo dõi sát sao tình hình xử lý hồ sơ, dẫn đến không thể xử lý kịp thời việc điều chỉnh, bổ sung hồ sơ khi có yêu cầu từ cơ quan cấp phép.
3. Ưu thế nếu được sự hỗ trợ của LMP Lawyers
Khi khách hàng được sự hỗ trợ của LMP Lawyers, khách hàng sẽ nhận được các ưu thế sau so với việc tự mình thực hiện:
(a) Tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong quá trình cấp phép, khách hàng chỉ cần cung cấp thông tin và tài liệu theo yêu cầu của chúng tôi.
(b) Thủ tục được thực hiện nhanh gọn và chính xác, tuân thủ đúng quy định pháp luật.
(c) Nhận được sự tư vấn, hỗ trợ nhiệt tình từ đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp của LMP Lawyers.
Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi yêu cầu tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ LMP Lawyers.