Trong thời điểm hội nhập và kinh doanh toàn cầu, việc mua bán hàng hóa diễn ra liên tục và phức tạp giữa các doanh nghiệp tại các quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay thường phát sinh rất nhiều mà nguyên nhân chủ yếu là do tập quán kinh doanh của mỗi nước là khác nhau và sự áp dụng pháp luật giữa các quốc gia cũng có độ chênh về quan điểm pháp luật.
Với nhiều năm kinh nghiệm đại diện các doanh nghiệp trong nước tham gia giải quyết các tranh chấp Hợp đồng mua bán với các doanh nghiệp nước ngoài. LMP Lawyers phân tích những dạng tranh chấp chủ yếu và những lưu ý với doanh nghiệp khi ký kết Hợp đồng mua bán với đối tác nước ngoài cũng như khi có phát sinh tranh chấp.
A. Các nguyên nhân dẫn đến tranh chấp
- Tranh chấp Hợp đồng liên quan đến điều khoản giao hàng: chậm trễ giao hàng, giao hàng không đúng với chủng loại trong hợp đồng, thiếu chứng từ đi kèm hàng hóa, giao thiếu hàng hóa,… Đây đều là những tranh chấp phổ biến nhất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của bên bị vi phạm và gây thiệt hại trực tiếp.
- Tranh chấp do sự kiện bất khả kháng: thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, thay đổi chính sách của các quốc gia,… đều là những nguyên nhân dẫn tới mâu thuẫn và những tranh cãi của các bên về việc thực hiện Hợp đồng. Trong đó, dịch bệnh Covid – 19 đã làm thay đổi nhận thức của các bên về trường hợp bất khả kháng và cảnh báo những doanh nghiệp mua bán hàng hóa nước ngoài về những nguy cơ tiềm tàng gặp phải nếu không có sự coi trọng quy định bất khả kháng trong Hợp đồng.
- Tranh chấp do áp dụng pháp luật giữa các quốc gia: Tranh chấp này xuất phát từ mối quan hệ của quốc gia nơi các doanh nghiệp đặt trụ sở, đồng thời do một phần lỗi của các bên trong việc lựa chọn hệ thống pháp luật khi giải quyết tranh chấp dẫn tới áp dụng pháp luật không chính xác.
- Tranh chấp khác liên quan đến việc áp dụng các quy định của Công ước quốc tế.
B. Các phương thức giải quyết tranh chấp
Theo quy định tại Điều 317 Luật Thương mại 2005, hiện nay có bốn phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến bao gồm: thương lượng; hòa giải thương mại; giải quyết tại Tòa án hoặc Trọng tài.
a. Thương lượng
Thương lượng là phương pháp đầu tiên và hữu hiệu khi phát sinh tranh chấp. Là phương pháp được phần lớn các thương nhân ưu tiên áp dụng bởi có thể tiết kiệm được thời gian, công sức và kinh phí, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ thương mại.
LMP Lawyers cũng ưu tiên thực hiện phương pháp này nhằm tiết kiệm tối đa chi phí, thời gian của các bên và vẫn đảm bảo được uy tín và mối quan hệ của Khách Hàng trên thương trường.
b. Hòa giải thương mại
Hòa giải thương mại được hiểu là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải. Hòa giải thương mại được lựa chọn khi các bên thỏa thuận ghi trong hợp đồng hoặc theo hình thức thỏa thuận riêng bằng văn bản.
c. Giải quyết tại Trọng tài thương mại
Giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại là đặc điểm điển hình trong lĩnh vực thương mại bởi do tính linh hoạt, tạo quyền chủ động giữa các bên, nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian và đảm bảo bí mật.
Căn cứ vào Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì Trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết trong các trường hợp sau:
- Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại
- Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
- Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
Bên cạnh đó, dựa vào Điều 5, Điều 18 của luật này, điều kiện để tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài là:
- Các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
- Thỏa thuận không được vô hiệu: tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài; người thỏa thuận không có thẩm quyền, năng lực hành vi dân sự; hình thức xác lập của thỏa thuận không phù hợp với quy định, vi phạm điều cấm của Luật.
d. Giải quyết tranh chấp tại Tòa án nhân dân
Ngoài việc lựa chọn Trọng tài là cơ quan tài phán để giải quyết tranh chấp về mua bán hàng hóa quốc tế thì Tòa án cũng là cơ quan được nhiều chủ thể trong giao dịch thương mại lựa chọn để giải quyết tranh chấp. Căn cứ vào Điều 17; khoản 3, khoản 4 Điều 43 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 Tranh chấp mua bán hàng hóa quốc tế có thể được giải quyết tại Tòa án Nhân dân (TAND) trong trường hợp các bên không thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc không thực hiện được.
LMP Lawyers tự hào là đơn vị pháp lý tham gia giải quyết thành công nhiều tranh chấp dân sự/ thương mại có giá trị lớn và phức tạp.
Việc tham gia giải quyết tranh chấp chỉ có thể được thực hiện tốt nếu nghiên cứu thật kỹ các quy định về Công ước Viên 1980 (Việt Nam là thành viên của Công ước này), Bộ các quy tắc thương mại quốc tế quy định về trách nhiệm của các bên trong hợp đồng ngoại thương (các phiên bản của Incoterm), Quy tắc và Thực hành thống nhất Tín dụng chứng từ (các phiên bản của UCP),…
Do vậy, trước khi tham gia khởi kiện, hoặc ngay khi xác định một Hợp đồng mua bán hàng hóa có nguy cơ xảy ra tranh chấp, khách hàng nên tham khảo ý kiến của luật sư để được bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của mình.
Lưu ý: Nội dung trình bày trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi yêu cầu tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ LMP Lawyers.