Thỏa thuận trọng tài trong các hợp đồng thương mại

Trong xu thế hiện nay, các tổ chức kinh tế khi giao kết hợp đồng thương mại thường lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại. 

Với ưu điểm là sự chủ động về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp, quyền chủ động chọn luật áp dụng, tính bảo mật thông tin cao cũng như sự linh hoạt, mềm dẻo trong việc lựa chọn ngôn ngữ áp dụng khiến trọng tài thương mại trở thành một phương thức giải quyết tranh chấp vượt trội. 

Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp các bên chọn trọng tài thương mại là cơ quan giải quyết khi có tranh chấp, nhưng đến khi xảy ra tranh chấp thì cơ quan trọng tài được chọn không có thẩm quyền giải quyết vụ việc do thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc không thể thực hiện được. 

Bài viết này, LMP Lawyers đề cập đến các vấn đề cần lưu ý của điều khoản trọng tài trong hợp đồng thương mại để tránh việc không thể áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu.

A. Quy định pháp luật về thỏa thuận trọng tài thương mại

Theo quy định tại Điều 5.1 của Luật Trọng Tài Thương Mại thì:

“Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp”. 

Do đó, việc hình thành một thỏa thuận trọng tài là điều kiện tiên quyết và bắt buộc làm căn cứ phát sinh thẩm quyền giải quyết của Trọng tài. Một thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức một điều khoản cụ thể tại hợp đồng thương mại hoặc thỏa thuận độc lập bằng văn bản hoặc hình thức tương đương văn bản. 

Thỏa thuận trọng tài sẽ vẫn có hiệu lực kể cả khi hợp đồng có thay đổi, gia hạn, hủy bỏ, bị vô hiệu toàn phần hoặc không thể thực hiện được. 

B. Các trường hợp thỏa thuận Trọng tài thương mại vô hiệu hoặc không thực hiện được

Căn cứ Điều 18, Luật trọng tài thương mại, thỏa thuận trọng tài thương mại sẽ bị vô hiệu trong các trường hợp: 

  • Thỏa thuận trọng tài được xác lập để giải quyết tranh chấp không thuộc lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Trọng tài; 
  • Người xác lập thỏa thuận trọng tài không phải là người đại diện theo pháp luật hoặc không phải là người được ủy quyền hợp pháp hoặc là người được ủy quyền hợp pháp nhưng vượt quá phạm vi được ủy quyền, trừ trường hợp trong quá trình xác lập, thực hiện thỏa thuận trọng tài hoặc trong tố tụng trọng tài mà người có thẩm quyền xác lập đã chấp nhận hoặc đã biết mà không phản đối; 
  • Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự, bao gồm: người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự; 
  • Thỏa thuận trọng tài không được xác lập bằng một trong các hình thức quy định; 
  • Một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài;
  • Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật. 

Căn cứ Điều 4, Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP, các bên cần lưu ý các vấn đề sau đây để tránh trường hợp thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được: 

  • Trung tâm trọng tài được các bên thỏa thuận đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức kế thừa và các bên không thể thỏa thuận được Trung tâm trọng tài khác giải quyết; 
  • Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến Trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp; hoặc Trung tâm trọng tài, Tòa án không thể tìm được Trọng tài viên như các bên thỏa thuận và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế;
  • Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, Trọng tài viên từ chối việc được chỉ định hoặc Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế; 
  • Các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài nhưng lại thỏa thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác và điều lệ của Trung tâm trọng tài do các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp không cho phép áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác và các bên không thỏa thuận được về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế;
  • Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn quy định tại Điều 17 Luật Trọng Tài Thương Mại nhưng khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp. 

Trong trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thực hiện được, thẩm quyền giải quyết đương nhiên thuộc về Tòa án. Theo đó, một trong các bên được quyền khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu giải quyết tranh chấp.

C. Lưu ý khi soạn thảo Thỏa thuận trọng tài trong Hợp đồng thương mại

Như đã phân tích, có nhiều trường hợp dẫn tới thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc không thực hiện được và vấn đề này thường xảy ra trên thực tế khi các bên soạn thảo thỏa thuận trọng tài một cách sơ sài. Hậu quả là khi phát sinh tranh chấp, thỏa thuận trọng tài vô hiệu, không thể thực hiện được, hoặc phát sinh nhiều thủ tục bổ sung dẫn tới thiệt hại về quyền lợi của doanh nghiệp.

Qua quá trình tham gia giải quyết tranh chấp trọng tài cũng như tư vấn soạn thảo Hợp đồng cho các doanh nghiệp, LMP Lawyers đúc rút được một số kinh nghiệm và lưu ý sau để doanh nghiệp có thể áp dụng khi soạn thảo Hợp đồng cũng như tham khảo khi có phát sinh tranh chấp:

Thứ nhất, trong trường hợp các bên đã có thỏa thuận trọng tài bằng một điều khoản trọng tài cụ thể nhưng tại điều khoản này không đề cập đến hình thức trọng tài (Trọng tài vụ việc hay Trọng tài thường trực) hoặc không xác định được chính xác tên của tổ chức trọng tài thì pháp luật trọng tài cho phép các bên được quyền thỏa thuận lại. 

Tuy nhiên, nếu các bên tranh chấp không tìm được tiếng nói chung thì tổ chức trọng tài và hình thức trọng tài tương ứng sẽ được thực hiện theo yêu cầu của Nguyên đơn (bên khởi kiện). 

Thứ hai, như đề cập tại phần đầu bài viết, việc được lựa chọn luật áp dụng là một trong những ưu điểm của trọng tài thương mại. Tuy nhiên, việc chọn luật áp dụng phải tuân theo nguyên tắc tranh chấp không có yếu tố nước ngoài thì áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết, và những tranh chấp có yếu tố nước ngoài thì áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn. Nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng trọng tài quyết định áp dụng pháp luật cho là phù hợp nhất.

Thứ ba, mặc dù các bên được quyền lựa chọn ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài, nhưng cần lưu ý rằng đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài ngôn ngữ được sử dụng là tiếng Việt, trừ tranh chấp có ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài thì ngôn ngữ sử dụng do các bên thỏa thuận.

Cuối cùng, trọng tài thương mại cho phép lựa chon địa điểm giải quyết tranh chấp trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam. Đây là điểm cần lưu ý để các bên có thể giảm thiểu chi phí phát sinh trong quá trình tham gia tố tụng. Trường hợp không có thoả thuận về địa điểm giải quyết tranh chấp thì Hội đồng trọng tài sẽ có quyền quyết định địa điểm. 

Cấn lưu ý rằng, việc không quy định các vấn đề nêu trên tại điều khoản trọng tài từ đầu sẽ không làm cho thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu hay không thể thực hiện được. Tuy vậy, nếu điều khoản trọng tài càng rõ ràng và chi tiết sẽ hạn chế việc các bên không đồng nhất các tiêu chí cần bổ sung dẫn đến sự bị động của các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại. Đồng thời, việc xác định rõ các tiêu chí giải quyết tranh chấp sẽ giúp các bên chủ động hơn khi phát sinh tranh chấp. 

Thực tiễn cũng tồn tại việc các bên vừa thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại vừa tại tòa án. Trường hợp này, nếu thỏa thuận Trọng tài không vô hiệu và có thể thực hiện được thì các bên vẫn được quyền nộp đơn khởi kiện tại cơ quan trọng tài. 

Tuy nhiên, nếu đã có đơn khởi kiện tại Tòa án và Tòa án đã thụ lý giải quyết theo thủ tục chung mà không có bất kỳ hành động khởi kiện tại Trọng tài nào trước đó thì đương nhiên Trọng tài không còn thẩm quyền giải quyết. 

Tóm lại, để điều khoản trọng tài có hiệu lực pháp lý và là cơ sở để giải quyết tranh chấp tại cơ quan Trọng tài, các bên nên lưu ý các nội dung được đề cập tại bài viết này cũng như tham khảo các điều khoản mẫu của các cơ quan trọng tài trước khi soạn thảo.

Lưu ý: Nội dung trình bày trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi yêu cầu tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ LMP Lawyers.

Liên hệ tư vấn
(+84)2838224050