Vào ngày 28/5/2022 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP về Quản lý khu công nghiệp (“KCN”) và khu kinh tế (“KTT”), thay thế cho Nghị định 82/2018/NĐ-CP với những thay đổi đáng kể. Nghị định 35/2022/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực vào ngày 15/7/2022.
So với Nghị định 82/2018/NĐ-CP, Nghị định 35/2022/NĐ-CP đã kịp thời giải quyết những bất cập trong cơ chế, chính sách quản lý tại các KCN và KTT qua những điểm mới nổi bật sau:
Giới thiệu một số mô hình KCN, KKT mới
- Nghị định 35/2022/NĐ-CP giới thiệu hai mô hình KCN mới với các đặc điểm cụ thể như sau:
- KCN chuyên ngành:
- Là KCN chuyên sản xuất và cung ứng dịch vụ cho sản xuất sản phẩm thuộc một ngành, nghề cụ thể;
- Có tối thiểu 60% diện tích đất công nghiệp của KCN được sử dụng để thu hút các dự án đầu tư thuộc ngành, nghề cụ thể này.
- KCN công nghệ cao:
- Là KCN thu hút các dự án đầu tư bao gồm:
- dự án công nghệ cao, công nghệ thông tin thuộc Danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư;
- dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao;
- cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ;
- dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, giáo dục và đào tạo.
- Có tối thiểu 30% diện tích đất công nghiệp của KCN được sử dụng để thu hút các dự án đầu tư này.
- Bên cạnh đó, ngoài hai mô hình KTT ven biển và KTT cửa khẩu như đã quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP, Nghị định 35/2022/NĐ-CP nay giới thiệu thêm một mô hình KTT mới là KTT chuyên biệt.
KTT chuyên biệt là KTT được thành lập ở vùng kinh tế trọng điểm, hành lang phát triển, khu vực động lực phát triển hoặc khu vực có vai trò tương tự được xác định trong quy hoạch vùng.
Đơn giản hóa các thủ tục về quy hoạch xây dựng KCN và thành lập KCN
- Về quy hoạch xây dựng KCN:
Nghị định 35/2022/NĐ-CP có sự tham khảo các quy định của luật xây dựng khi quy định về các loại hình quy hoạch xây dựng KCN. Cụ thể, quy hoạch xây dựng KCN được phân thành các loại sau:
- Quy hoạch chung xây dựng KCN;
- Quy hoạch phân khu xây dựng KCN; và
- Quy hoạch chi tiết xây dựng KCN (nếu cần).
Ngoài ra, Nghị định 35/2022/NĐ-CP còn quy định các trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không cần lập nhiệm vụ quy hoạch xây dựng trong quá trình phê duyệt quy hoạch xây dựng KCN, cụ thể như sau:
- Lập quy hoạch phân khu xây dựng KCN tại khu vực đã có quy hoạch chung xây dựng hoặc quy hoạch chung xây dựng KKT đã được phê duyệt;
- Lập quy hoạch chi tiết xây dựng KCN tại khu vực đã có quy hoạch phân khu xây dựng được phê duyệt;
- Lập đồ án quy hoạch phân khu xây dựng KCN đối với (i) KCN có quy mô diện tích từ 500 ha trở lên, (ii) KCN – đô thị – dịch vụ, (iii) KCN có nhiều chủ đầu tư hạ tầng hoặc nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng theo từng phân khu công nghiệp, được xác định nằm trong quy hoạch chung đô thị hoặc quy hoạch chung xây dựng KKT đã được phê duyệt.
- Về thủ tục thành lập KCN:
Nhằm giảm bớt thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, Nghị định 35/2022/NĐ-CP không còn yêu cầu nhà đầu tư phải xin cấp quyết định thành lập KCN từ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như Nghị định 82/2018/NĐ-CP. Thay vào đó, KCN được xác định là đã được thành lập kể từ ngày cấp có thẩm quyền:
- Quyết định chủ trương đầu tư dự án hạ tầng KCN sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật đầu tư công; hoặc
- Chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực hiện dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN theo quy định của pháp luật đầu tư.
Thêm các điều kiện mới về đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN
Nghị định 35/2022/NĐ-CP bổ sung một số điều kiện mới đối với nhà đầu tư thực hiện dự án và các tiêu chuẩn đánh giá lựa chọn nhà đầu tư trong đấu thầu cho dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, cụ thể như sau:
- Nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Điều kiện kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản;
- Điều kiện để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN. Điều kiện này cũng áp dụng đối với tổ chức kinh tế thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài.
- Trường hợp chọn áp dụng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì các tiêu chuẩn đánh giá để lựa chọn nhà đầu tư bao gồm:
- Về năng lực: Đánh giá trên cơ sở các điều kiện đối với nhà đầu tư như đã liệt kê ở trên.
- Về kinh nghiệm: Đánh giá dựa trên cơ sở quy mô diện tích, tiến độ thực hiện, tình hình thực hiện của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN hoặc dự án bất động sản khác mà nhà đầu tư đã thực hiện hoặc đã góp vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án; chủ sở hữu, thành viên, cổ đông sáng lập là tổ chức của nhà đầu tư đã thực hiện hoặc đã góp vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án.
- Về kỹ thuật: Đánh giá dựa trên cơ sở nội dung Quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng KCN, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN của cấp có thẩm quyền và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Về tài chính – thương mại: Đánh giá dựa trên cơ sở nội dung Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN của cấp có thẩm quyền và quy định khác của pháp luật có liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Bổ sung quy định về phân kỳ đầu tư
Trừ KCN thu hút các dự án đầu tư thực hiện cụm liên kết ngành với tổng vốn đầu tư của các dự án trong cụm liên kết ngành tối thiểu tương đương 02 tỷ đô la Mỹ hoặc 45.000 tỷ đồng, KCN phải được phân kỳ đầu tư nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- KCN có quy mô diện tích trên 500 ha phải được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn, mỗi giai đoạn không quá 500 ha;
- KCN có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên với:
- Quy mô diện tích đất trên 200 ha ở vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long phải được phân kỳ các giai đoạn, mỗi giai đoạn không chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên với quy mô diện tích đất trồng lúa quá 200 ha; hoặc
- Quy mô diện tích đất trên 150 ha ở vùng Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ phải được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn, mỗi giai đoạn không chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên với quy mô diện tích đất trồng lúa quá 150 ha; hoặc
- Quy mô diện tích đất trên 100 ha ở vùng trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên phải được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn, mỗi giai đoạn không chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên với quy mô diện tích đất trồng lúa quá 100 ha.
Mở rộng đối tượng được quyền tạm trú, lưu trú trong KCN
Theo Nghị định 82/2018/NĐ-CP, chỉ có nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia nước ngoài được phép tạm trú tại KCN để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nghị định 35/2022/NĐ-CP nay mở rộng phạm vi đối tượng được phép tạm trú này bao gồm tất cả chuyên gia và người lao động (không phân biệt là công dân Việt Nam hay nước ngoài).
Trong trường hợp bất khả kháng, chuyên gia, người lao động còn được phép lưu trú ở doanh nghiệp, ở lại doanh nghiệp tại KCN. Theo đó, Nghị định 35/2022/NĐ-CP còn quy định rõ về việc xây dựng cơ sở lưu trú cho người lao động trong diện tích đất dịch vụ thuộc KCN.
Quy định mới về quản lý khu chế xuất
Theo Nghị định 82/2018/NĐ-CP, bất kỳ doanh nghiệp nào được thành lập và hoạt động trong khu chế xuất (“KCX”) thì đều được xem là doanh nghiệp chế xuất (“DNCX”), bất kể có thực hiện hoạt động chế xuất hay không. Nay, theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP, chỉ những doanh nghiệp thực hiện hoạt động chế xuất mới được xem là DNCX.
Bên cạnh đó, Nghị định 35/2022/NĐ-CP còn điều chỉnh cho linh hoạt đối với hoạt động của DNCX, cụ thể:
- DNCX được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác ngoài hoạt động chế xuất. Trước đó, Nghị định 82/2018/NĐ-CP hạn chế DNCX chỉ được thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa; và
- Trường hợp không đủ mặt bằng để bố trí kho lưu giữ hàng hóa phục vụ hoạt động chế xuất, DNCX được thuê mặt bằng ngoài KCN, KTT để thực hiện lưu giữ hàng hóa nếu đáp ứng được một số điều kiện cụ thể.
Đặc biệt, các KCX hiện nay không giới hạn chỉ bao gồm các DNCX. Nghị định 35/2022/NĐ-CP còn cho phép các doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung ứng dịch vụ cho sản xuất công nghiệp được thành lập trong các KCX.
Kết luận
Mặc dù Nghị định 35/2022/NĐ-CP vẫn còn một số điểm bất cập và chưa tháo gỡ được hoàn toàn những vướng mắc tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP, tuy nhiên Nghị định 35/2022/NĐ-CP cũng đã phần nào mở ra một hành lang pháp lý thông thoáng hơn và bước đầu thúc đẩy sự phát triển của các KCN, KKT tại Việt Nam.
Lưu ý: Nội dung trình bày trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi yêu cầu tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ LMP Lawyers.