QUY ĐỊNH HIỆN HÀNH VỀ VAY VỐN NƯỚC NGOÀI KHÔNG ĐƯỢC CHÍNH PHỦ BẢO LÃNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

Ngày 30/6/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 08/2023/TT-NHNN quy định về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh (“Thông Tư 08/2023”) thay thế Thông tư số 12/2014/TT-NHNN ngày 31/3/2014 (“Thông Tư 12/2014”). Thông Tư 08/2023 có hiệu lực từ ngày 15/8/2023 và có một số thay đổi lớn so với Thông Tư 12/2014 về điều kiện vay vốn nước ngoài đối với bên đi vay là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam (“Bên Đi Vay”). 

Bài viết này sẽ bàn về một số điểm mới đáng lưu ý về điều kiện vay vốn nước ngoài không được Chính Phủ bảo lãnh đối với Bên Đi Vay không phải là tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

 

Bổ sung định nghĩa cụ thể hơn về thỏa thuận vay nước ngoài

So với Thông Tư 12/2014, thỏa thuận vay nước ngoài đã được định nghĩa cụ thể hơn tại Thông Tư 08/2023. Cụ thể, theo Thông Tư 08/2023:

“Thỏa thuận vay nước ngoài là một hoặc tập hợp một số văn bản ghi nhận thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho bên đi vay một khoản tiền hoặc tài sản (trong trường hợp vay nước ngoài dưới hình thức hợp đồng cho thuê tài chính) để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi (nếu có thỏa thuận về lãi)”.

Việc bổ sung định nghĩa này giúp Bên Đi Vay và bên cho vay có thể định hướng và chuẩn bị thỏa thuận vay nước ngoài ghi nhận được các điều khoản quan trọng của giao dịch vay nước ngoài, đồng thời đảm bảo khả năng được chấp thuận bởi các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan Thuế và Ngân hàng thương mại nơi Bên Đi Vay mở tài khoản ngân hàng để nhận khoản vay.

 

Bổ sung hình thức của thỏa thuận vay nước ngoài

Thông Tư 12/2014 trước đây quy định thỏa thuận vay nước ngoài phải được ký kết bằng văn bản. Hiện nay, Thông Tư 08/2023 đã bổ sung hình thức thông điệp dữ liệu điện tử đối với việc ký kết thỏa thuận vay nước ngoài. Các thỏa thuận vay nước ngoài thông qua hình thức này phải tuân thủ quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Quy định này nhằm đơn giản hóa và tạo sự linh hoạt trong các giao dịch vay nước ngoài trong thời đại công nghệ số phát triển như hiện nay, từ đó tạo cơ hội mở rộng thị trường, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

 

Thỏa thuận vay nước ngoài có thể được ký kết vào ngày giải ngân khoản vay

Trước đây, theo Thông Tư 12/2014, thỏa thuận vay nước ngoài phải được ký kết trước khi giải ngân khoản vay. Nay, Thông Tư 08/2023 quy định việc ký kết này có thể được thực hiện trước hoặc vào ngày giải ngân. 

Tuy nhiên, việc ký kết thỏa thuận vay nước ngoài vào ngày rút vốn khoản vay nước ngoài chỉ được thực hiện trong các trường hợp sau: (i) khoản vay ngắn hạn nước ngoài với điều kiện việc giải ngân khoản vay thực hiện sau khi các bên ký kết thỏa thuận vay; hoặc (ii) khoản vay nước ngoài phát sinh từ việc chuyển số tiền thực hiện chuẩn bị đầu tư của các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thành vốn vay nước ngoài.

 

Thay đổi trường hợp được thực hiện khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam 

Theo quy định tại Thông Tư 12/2014, vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam chỉ được thực hiện trong các trường hợp sau:

  1. Bên Đi Vay là tổ chức tài chính vi mô;
  2. Bên Đi Vay là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vay từ nguồn lợi nhuận được chia bằng đồng Việt Nam từ hoạt động đầu tư trực tiếp của Bên cho vay là nhà đầu tư nước ngoài góp vốn tại Bên Đi Vay;
  3. Các trường hợp khác khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất cần thiết của từng trường hợp.

Tuy nhiên, Thông Tư 08/2023 đã loại bỏ trường hợp “Các trường hợp khác khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất cần thiết của từng trường hợp” và thay vào đó bổ sung trường hợp “Bên đi vay rút vốn, trả nợ bằng đồng ngoại tệ và nghĩa vụ nợ của khoản vay được xác định bằng đồng Việt Nam”.

Quy định mới này nhằm tạo sự linh hoạt trong giao dịch vay cho các bên, trong đó, “nghĩa vụ nợ của khoản vay được xác định bằng đồng Việt Nam” là việc khoản vay được rút vốn bằng ngoại tệ nhưng giá trị nhận nợ theo thỏa thuận vay nước ngoài được ghi nhận bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá mua, bán ngoại tệ được niêm yết bởi tổ chức tín dụng do các bên thỏa thuận.

 

Quy định rõ và điều chỉnh lại mục đích vay nước ngoài đối với từng loại khoản vay

Thay vì quy định chung mục đích vay của tất cả các loại khoản vay nước ngoài như Thông Tư 12/2014, Thông Tư 08/2023 nay quy định rõ ràng và cụ thể hơn mục đích vay nước ngoài đối với từng loại khoản vay ngắn, trung và dài hạn đối với Bên Đi Vay không phải là tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cụ thể như sau:

Loại khoản vay Mục đích vay nước ngoài
Thông Tư 12/2014 Thông Tư 08/2023
Ngắn hạn
  • Thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài của Bên Đi Vay; và
  • Cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài của Bên Đi Vay mà không làm tăng chi phí vay.
  • Cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài của Bên Đi Vay; và
  • Thanh toán các khoản nợ ngắn hạn phải trả bằng tiền của Bên Đi Vay (không bao gồm các khoản nợ gốc của khoản vay trong nước).
Trung, dài hạn
  • Thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài của: (i) Bên Đi Vay; và (ii) doanh nghiệp mà Bên Đi Vay tham gia góp vốn đầu tư trực tiếp; và
  • Cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài của Bên Đi Vay mà không làm tăng chi phí vay.
  • Thực hiện dự án đầu tư của Bên Đi Vay;
  • Thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự án khác của Bên Đi Vay; và
  • Cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài của Bên Đi Vay.

Như vậy, Thông Tư 08/2023 đã phần nào giới hạn phạm vi của mục đích vay nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, Bên Đi Vay từng được phép vay nước ngoài trung, dài hạn để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư của doanh nghiệp mà Bên Đi Vay tham gia góp vốn đầu tư trực tiếp (công ty con). Hiện nay, Thông Tư 08/2023 chỉ cho phép vay trung, dài hạn để thực hiện dự án đầu tư, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự án khác của chính Bên Đi Vay.

Ngoài ra, đối với các khoản vay nhằm mục đích cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài của Bên Đi Vay, Thông Tư 08/2023 không còn quy định các khoản vay này “không làm tăng chi phí vay” mà thay vào đó, Thông Tư 08/2023 quy định cụ thể về giới hạn vay cho các khoản vay này. 

 

Quy định chặt chẽ hơn về giới hạn mức vay nước ngoài của Bên Đi Vay

Tương tự với Thông Tư 12/2014, giới hạn mức vay nước ngoài của khoản vay trung, dài hạn để thực hiện dự án đầu tư, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự án khác của Bên Đi Vay cũng được quy định tại Thông Tư 08/2023. Tuy nhiên, Thông Tư 08/2023 đã bổ sung quy định mới về giới hạn mức vay đối với mục đích vay để cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài của Bên Đi Vay. Cụ thể giới hạn mức vay nước ngoài đối với doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay được Thông Tư 08/2023 quy định như sau:

Mục đích vay nước ngoài Giới hạn vay
Cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài Số tiền vay tối đa không vượt quá tổng giá trị (i) dư nợ gốc, (ii) số tiền lãi, phí chưa thanh toán của khoản nợ nước ngoài hiện hữu và (iii) phí của khoản vay mới được xác định tại thời điểm cơ cấu.
Vay trung, dài hạn để thực hiện dự án đầu tư Số dư nợ gốc của các khoản vay trung, dài hạn trong nước và nước ngoài của Bên Đi Vay (bao gồm cả các khoản vay ngắn hạn được gia hạn và ngắn hạn quá hạn thành trung, dài hạn) phục vụ cho dự án đầu tư tối đa không vượt quá giới hạn vay vốn của dự án đầu tư được ghi nhận tại Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư.
Vay trung, dài hạn để thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự án khác của Bên Đi Vay Số dư nợ vay trung, dài hạn trong nước và nước ngoài của Bên Đi Vay (bao gồm cả các khoản vay ngắn hạn được gia hạn và ngắn hạn quá hạn thành trung, dài hạn) phục vụ cho mục đích này không vượt quá tổng nhu cầu vốn vay tại Phương án sử dụng vốn vay nước ngoài đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 

Liên hệ tư vấn
(+84)2838224050