Mua nhà, đất bằng hình thức ủy quyền – những rủi ro cần biết

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà, đất thường đi kèm các quy định khắt khe trong nhiều văn bản pháp luật như Luật Đất Đai, Luật Công chứng, Luật nhà ở, Luật Dân Sự. Theo đó, khi nhà, đất không thỏa các quy định thì sẽ không thể chuyển nhượng, mua bán.

Để có thể mua bán nhà đất nêu trên, các bên thường đi “đường vòng” để lách luật bằng các hình thức như lập vi bằng hoặc lập văn bản ủy quyền định đoạt nhà, đất.

I. Khái niệm Hợp đồng ủy quyền

Trong thực tế không phải bao giờ cá nhân hoặc pháp nhân cũng có thể trực tiếp tham gia vào quan hệ hợp đồng. Việc không tham gia trực tiếp có thể do nhiều lí do khác nhau hoặc khi đã tham gia vào một quan hệ hợp đồng nhất định nhưng không có điều kiện thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Vì vậy, pháp luật cho phép họ có thể ủy quyền cho người thứ ba, thay mặt mình giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự.

Điều 562 Bộ luật dân sự năm 2015, quy định: 

“Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

II. Bản chất của việc mua bán nhà thông qua Hợp đồng ủy quyền

Bởi nhiều lý do, thông thường là bên mua nhà chưa đủ điều kiện được sở hữu nhà tại Việt Nam hoặc ngôi nhà chưa đủ điều kiện để bán hoặc để trốn thuế, nhu cầu mua bán “vượt qua pháp luật” đã thôi thúc các bên tạo ra những giao dịch đường vòng mà phổ biến nhất là lập hợp đồng ủy quyền để che giấu giao dịch mua bán ngôi nhà hoặc khu đất (sau đây gọi chung là bất động sản). 

Cụ thể, các bên sẽ giao kết hai hợp đồng: 

  • Hợp đồng mua bán: ghi nhận ý chí đích thực của các bên trong giao dịch mua bán như đặc điểm bất động sản, giá bán, đặt cọc, thanh toán…
  • Hợp đồng ủy quyền: nội dung là bên được ủy quyền có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt bất động sản.

Hợp đồng ủy quyền này sẽ giúp các bên chuyển giao “quyền sở hữu” từ bên bán (bên ủy quyền) sang bên mua (bên được ủy quyền) vì bằng hợp đồng ủy quyền bên được ủy quyền đã hưởng mọi quyền của một chủ sở hữu tài sản theo pháp luật Việt Nam (quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản). Để cho chắc chắn việc ghi nhận “chuyển quyền sở hữu” này, các bên thực hiện công chứng hợp đồng ủy quyền tại phòng công chứng hoặc chứng thực tại ủy ban nhân dân xã, phường.

Sau khi hoàn tất hợp đồng ủy quyền nói trên, các bên dường như yên tâm rằng hợp đồng ủy quyền mà mình lập đã “vượt qua pháp luật” mà chuyển quyền sở hữu sang bên mua vì bên này đã được cơ quan công chứng hoặc chứng thực xác thực việc hưởng mọi quyền của một chủ sở hữu đối với bất động sản.

Tuy nhiên, khác với giao dịch mua bán bất động sản theo pháp luật Việt Nam, hợp đồng ủy quyền này hoàn toàn không phải là việc chuyển quyền sở hữu. Về mặt bản chất, người được ủy quyền vẫn chỉ là người thay mặt chủ sở hữu để gìn giữ, bảo quản, tôn tạo bất động sản. Điều này dẫn tới một số rủi ro mà người mua bắt buộc phải nắm khi chấp nhận phương thức này.

III. Rủi ro khi mua bán nhà thông qua Hợp đồng ủy quyền

Việc các bên “lách luật” như đã phân tích chắc chắn sẽ đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn. LMP Lawyers đã tham gia giải quyết nhiều tranh chấp liên quan đến việc mua bán nhà đất thông qua Hợp đồng ủy quyền và dưới đây là một số rủi ro pháp lý của việc lách luật này:

Thứ nhất, dù rằng khi giao dịch “mua bán” đã hoàn tất (bên mua đã thanh toán đầy đủ, nhận bất động sản cùng giấy tờ kèm theo, hợp đồng ủy quyền đã được công chứng hoặc chứng thực), nhưng vì lý do bất kỳ nào đó, ví dụ giá bất động sản lên cao hoặc xuống thấp, một bên vẫn có thể yêu cầu tòa án tuyên vô hiệu hợp đồng ủy quyền trên cơ sở hợp đồng này được xác lập nhằm che giấu giao dịch mua bán bất động sản, vốn là giao dịch thuộc ý chí đích thực của các bên. 

Thực tế cũng cho thấy tòa án đã tuyên vô hiệu hợp đồng ủy quyền trên cơ sở này. Hậu quả pháp lý cơ bản của một hợp đồng vô hiệu là các bên sẽ phải trở về vị trí trước khi giao kết hợp đồng, hoàn lại cho nhau những gì đã nhận. Bên mua trả lại nhà, đất và bên bán trả lại tiền.

Thứ hai, hợp đồng ủy quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt bất động sản có thể bị chấm dứt theo quy định của pháp luật. Theo điều 589 BLDS, hợp đồng ủy quyền sẽ bị chấm dứt đương nhiên (dù các bên có thỏa thuận khác) trong trường hợp “bên ủy quyền hoặc bên được ủy quyền chết, bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết”. 

Cụ thể là nếu một bên, hoặc là bên ủy quyền hoặc bên được ủy quyền (bên bán và mua theo thỏa thuận mua bán) chết thì hợp đồng ủy quyền sẽ đương nhiên chấm dứt. Bất động sản sẽ trở lại thuộc quyền sở hữu của bên ủy quyền (trong trường hợp bên được ủy quyền chết) hoặc được để thừa kế cho người thừa kế của bên ủy quyền (trong trường hợp bên ủy quyền chết). 

Ngoài ra, nếu tòa án tuyên bên ủy quyền bị mất năng lực hành vi dân sự (bị tâm thần) hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (nghiện ma túy) thì đương nhiên hợp đồng ủy quyền cũng bị chấm dứt. Quyền định đoạt bất động sản sẽ được chuyển giao cho người đại diện theo pháp luật của bên ủy quyền. Tương tự như vậy, hợp đồng ủy quyền cũng chấm dứt, bất động sản được giao trả cho bên ủy quyền nếu tòa án tuyên bên được ủy quyền bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Thứ ba, vì thực tế những hợp đồng ủy quyền loại này thường được lập dưới dạng ủy quyền không có thù lao, căn cứ theo quy định của điều 588 BLDS, bên ủy quyền (bên bán) có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền bất kỳ lúc nào miễn là báo trước cho bên được ủy quyền một thời hạn hợp lý. Vấn đề ở đây là việc xác định thế nào là “thời hạn hợp lý” thì trong luật không quy định một cách rõ ràng và minh thị.

Ở đây các nhà làm luật, vì bất kỳ một lý do nào, cũng chỉ yêu cầu việc hủy bỏ hợp đồng đã được công chứng phải được sự chấp thuận của bên kia và phải được công chứng. Chúng ta cũng biết rõ rằng hai chế định “hủy bỏ hợp đồng” và “đơn phương chấm dứt việc thực hiện hợp đồng” là hai chế định hoàn toàn khác nhau với hậu quả khác nhau. 

Vì vậy, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đã được công chứng không cần phải thỏa mãn điều kiện về sự chấp thuận của các bên và công chứng lại.

Thứ tư, khi bên ủy quyền có nghĩa vụ với một bên thứ ba, ví dụ nợ đối tác, cơ quan thuế hay ngân hàng thì theo quy định của Luật Tố tụng dân sự, quản lý thuế, thi hành án… các chủ nợ này có quyền yêu cầu phong tỏa, kê biên và phát mãi các tài sản của bên ủy quyền, bao gồm cả bất động sản đã “chuyển nhượng” theo hợp đồng ủy quyền. Trừ khi đã được chuyển giao hợp lệ cho bên thứ ba, về mặt pháp lý bất động sản vẫn thuộc quyền sở hữu của bên ủy quyền. Bên được ủy quyền về bản chất chỉ là đại diện cho chủ sở hữu nên các chủ nợ vẫn có nguyên quyền yêu cầu kê biên và/hoặc phát mãi bất động sản để thanh toán cho khoản nợ với mình.

Thứ năm, trên thực tế, khi có nhu cầu vay vốn, bên được ủy quyền mang bất động sản thế chấp cho ngân hàng thì một số ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nước ngoài, từ chối việc nhận thế chấp vì các ngân hàng hiểu rõ bản chất và ngần ngại về hệ lụy của giao dịch mua bán – ủy quyền này.

Do đó, các bên trước khi chấp nhận áp dụng phương pháp dùng Hợp đồng ủy quyền để mua bán nhà, đất cần nắm rõ những rủi ro nêu trên và tham khảo kỹ ý kiến của luật sư trước khi thực hiện để đảm bảo hiểu rõ, phòng tránh tối đa các rủi ro có thể xảy ra.

Lưu ý: Nội dung trình bày trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi yêu cầu tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ LMP Lawyers.

Liên hệ tư vấn
(+84)2838224050