Ngày 22/6/2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giao dịch điện tử 2023 (“Luật GDĐT 2023”). Luật GDĐT 2023 sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024, thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005 (“Luật GDĐT 2005”), với một số nội dung đáng chú ý như sau:
1. Mở rộng phạm vi điều chỉnh
Luật GDĐT 2005 không điều chỉnh giao dịch điện tử trong một số lĩnh vực như đất đai, thừa kế, cụ thể bao gồm: việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, văn bản về thừa kế, giấy chứng nhận kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy chứng tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác.
Luật GDĐT 2023 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Luật GDĐT 2005 bằng việc quy định tất cả giao dịch bằng phương tiện điện tử sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này, trừ trường hợp luật khác quy định không được thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử thì thực hiện theo quy định của luật đó.
2. Bổ sung quy định về việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu
Luật GDĐT 2023 bổ sung quy định mới về việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu, cụ thể:
Đối với trường hợp chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu, nếu các thông tin được chuyển đổi từ văn bản giấy đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật GDĐT 2023 thì thông tin được chuyển đổi sẽ được xem là thông điệp dữ liệu và có giá trị pháp lý theo quy định tại Luật này.
Đối với trường hợp chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy, thông điệp dữ liệu được chuyển đổi phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật này. Khi đó, giá trị pháp lý của văn bản giấy được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu sẽ được điều chỉnh theo quy định của pháp luật có liên quan.
3. Thừa nhận các hình thức khác thể hiện sự chấp thuận của chủ thể ký đối với thông điệp dữ liệu
Theo quy định của Luật GDĐT 2005, việc xác nhận sự chấp thuận của chủ thể ký đối với thông điệp dữ liệu chỉ được thực hiện bằng chữ ký điện tử. Các hình thức xác nhận khác như chữ ký scan, chữ ký hình ảnh, mật khẩu sử dụng một lần (OTP), tin nhắn (SMS),…chưa được công nhận là hình thức thể hiện sự chấp thuận của chủ thể ký đối với thông điệp dữ liệu, gây khó khăn cho việc giao kết giao dịch điện tử trong một số ngành đặc thù như ngành ngân hàng, hải quan,…
Để khắc phục vấn đề này, Luật GDĐT 2023 đã bổ sung quy định thừa nhận các hình thức khác ngoài chữ ký điện tử để thể hiện sự chấp thuận của chủ thể ký đối với thông điệp dữ liệu. Việc sử dụng những hình thức xác nhận này sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
4.Bổ sung quy định về dịch vụ tin cậy và điều kiện kinh doanh dịch vụ này
Luật GDĐT 2023 bổ sung quy định về ngành nghề đầu tư kinh doanh mới là dịch vụ tin cậy, bao gồm các dịch vụ cụ thể như sau:
(i) Dịch vụ cấp dấu thời gian để gắn thông tin về thời gian vào thông điệp dữ liệu;
(ii) Dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu gồm dịch vụ lưu trữ và xác nhận tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu và dịch vụ gửi, nhận thông điệp dữ liệu bảo đảm; và
(iii) Dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng để chứng thực chữ ký số trong hoạt động công cộng.
Dịch vụ tin cậy là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Doanh nghiệp mong muốn kinh doanh ngành nghề này là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam và đáp ứng các điều kiện về tài chính, nhân lực quản lý và kỹ thuật, có hệ thống thông tin, phương án kỹ thuật, phương án sẵn sàng kết nối kỹ thuật,… đáp ứng các điều kiện cụ thể theo Điều 29 Luật này và Nghị định hướng dẫn của Chính phủ sau khi Luật GDĐT 2023 có hiệu lực.