LÃI VÀ LÃI SUẤT TRONG HỢP ĐỒNG VAY THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ

Bài viết này trình bày các vấn đề liên quan đến lãi và lãi suất trong hợp đồng vay, không bao gồm các hợp đồng tín dụng (là hợp đồng vay giữa tổ chức tín dụng với khách hàng là cá nhân, tổ chức) (“Hợp Đồng Vay”).

A. CÁC LOẠI TIỀN LÃI THƯỜNG GẶP TRONG HỢP ĐỒNG VAY

Đối với Hợp Đồng Vay có lãi, khi đến hạn trả, ngoài số tiền vay ban đầu (“Nợ Gốc”), bên vay còn phải trả cho bên cho vay khoản tiền khác gọi là tiền lãi trên Nợ Gốc trong hạn (“Lãi Vay”).

Trong trường hợp đến hạn trả mà bên vay vẫn không trả hoặc trả không đầy đủ Nợ Gốc và Lãi Trên Nợ Gốc, bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay trả thêm một khoản tiền lãi trên Nợ Gốc quá hạn (“Lãi Trên Nợ Gốc Quá Hạn”) và một khoản tiền lãi trên Lãi Vay quá hạn (“Lãi Trên Lãi Vay Quá Hạn”) tương ứng với số ngày quá hạn thanh toán.

Đối với Hợp Đồng Vay không có lãi, khi đến hạn, bên có nghĩa vụ thanh toán chỉ cần thanh toán Nợ Gốc (số tiền vay hoặc số tiền phải thanh toán theo hợp đồng) cho bên có quyền. Tuy nhiên, trong trường hợp trễ hạn thanh toán, bên có nghĩa vụ phải trả Lãi Trên Nợ Gốc Quá Hạn tương ứng với số ngày quá hạn cho bên có quyền.

Do đó, tổng cộng có ba khoản tiền lãi thường gặp trong Hợp Đồng Vay, bao gồm: i) Lãi Vay; ii) Lãi Trên Nợ Gốc Quá Hạn; và iii) Lãi Trên Lãi Vay Quá Hạn.

B. MỨC LÃI SUẤT VÀ CÁCH TÍNH ĐỐI VỚI CÁC KHOẢN TIỀN LÃI

  1. Đối với Lãi Vay

Theo quy định, trường hợp các bên có thoả thuận về lãi suất vay thì lãi suất vay không được vượt quá 20%/năm. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất vay và có tranh chấp về lãi suất, lãi suất vay được áp dụng sẽ là 10%/năm.

Từ đó, công thức tính Lãi Vay như sau:

Lãi Vay = Nợ Gốc x Lãi suất vay thoả thuận (không quá 20%/năm) x Thời gian vay

Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất vay:

Lãi Vay = Nợ Gốc x 10%/năm x Thời gian vay

  1. Đối với Lãi Trên Nợ Gốc Quá Hạn

Theo quy định, trong trường hợp các bên không có thoả thuận về lãi suất quá hạn đối với Lãi Trên Nợ Gốc Quá Hạn, mức lãi suất quá hạn đối với Lãi Trên Nợ Gốc Quá Hạn sẽ là 10%/năm.

Trường hợp có thoả thuận, các bên có thể lựa chọn áp dụng mức lãi suất quá hạn theo một trong hai mức sau: (i) mức lãi suất quá hạn do các bên thỏa thuận, với điều kiện không vượt quá 20%/năm; hoặc (ii) mức lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất vay do các bên thỏa thuận, với điều kiện không được vượt quá 30%/năm.

Từ đó, công thức tính Lãi Trên Nợ Gốc Quá Hạn như sau:

Trường hợp Hợp Đồng Vay không có thoả thuận về lãi suất quá hạn đối với Lãi Trên Nợ Gốc Quá Hạn:

Lãi Trên Nợ Gốc = Nợ Gốc chưa trả x 10%/năm x Thời gian chậm trả Nợ Gốc

Trường hợp Hợp Đồng Vay áp dụng mức lãi suất quá hạn theo các bên thỏa thuận:

Lãi Trên Nợ Gốc = Nợ Gốc chưa trả x Lãi suất thoả thuận (không quá 20%/năm) x Thời gian chậm trả Nợ Gốc

Trường hợp Hợp Đồng Vay áp dụng mức lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất vay do các bên thỏa thuận:

Lãi Trên Nợ Gốc = Nợ Gốc chưa trả x 150% Lãi suất vay thoả thuận (không quá 30%/năm) x Thời gian chậm trả Nợ Gốc

  1. Đối với Lãi Trên Lãi Vay Quá Hạn

Theo quy định, mức lãi suất thường được áp dụng đối với Lãi Trên Lãi Vay Quá Hạn là 10%/năm.

Từ đó, công thức tính Lãi Trên Lãi Vay Quá Hạn như sau:

Lãi Trên Lãi Vay Quá Hạn = Lãi Vay chưa trả x 10%/năm x Thời gian chậm trả Lãi Vay

C. MỘT SỐ VÍ DỤ

1. Ngày 01/01/2020, ông A vay ông B 100 triệu đồng với lãi suất 10%/năm trong thời hạn 01 năm, nếu quá hạn mà ông B không trả nợ cho ông A thì phải chịu lãi suất quá hạn tính trên khoản nợ gốc là 20%/năm, lãi suất quá hạn tính trên lãi vay là 10%/năm. Tính đến ngày 01/01/2022, đã trễ hạn trả nợ 01 năm nhưng ông A vẫn chưa trả tiền cho ông B. Các khoản tiền mà ông A phải trả cho ông B tính đến ngày 01/01/2022 bao gồm:

– Nợ Gốc = 100 triệu đồng;

– Lãi Vay = 100 triệu x 10%/năm x 01 năm = 10 triệu đồng;

– Lãi Trên Nợ Gốc Quá Hạn:

TH1: Áp dụng mức lãi suất quá hạn do các bên thỏa thuận

Lãi Trên Nợ Gốc Quá Hạn = 100 triệu đồng x 20%/năm x 01 năm = 20 triệu đồng; hoặc

TH2: Áp dụng mức lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất vay do các bên thỏa thuận

Lãi Trên Nợ Gốc Quá Hạn = 100 triệu đồng x 150% x 10%/năm x 01 năm = 15 triệu đồng

– Lãi Trên Lãi Vay Quá Hạn = 10 triệu đồng x 10%/năm x 01 năm = 2 triệu đồng.

2. Ngày 01/01/2020, ông A vay ông B 100 triệu đồng với lãi suất 15%/năm trong thời hạn 01 năm, nếu quá hạn mà ông B không trả nợ cho ông A thì phải chịu lãi suất quá hạn tính trên khoản nợ gốc là 20%/năm, lãi suất quá hạn tính trên lãi vay là 10%/năm. Tính đến ngày 01/01/2022, đã trễ hạn trả nợ 01 năm nhưng ông A vẫn chưa trả tiền cho ông B. Các khoản tiền mà ông A phải trả cho ông B tính đến ngày 01/01/2022 bao gồm:

– Nợ Gốc = 100 triệu đồng;

– Lãi Vay = 100 triệu x 10%/năm x 01 năm = 10 triệu đồng;

– Lãi Trên Nợ Gốc Quá Hạn:

TH1: Áp dụng mức lãi suất quá hạn do các bên thỏa thuận

Lãi Trên Nợ Gốc Quá Hạn = 100 triệu đồng x 20%/năm x 01 năm = 20 triệu đồng; hoặc

TH2: Áp dụng mức lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất vay do các bên thỏa thuận

Lãi Trên Nợ Gốc Quá Hạn = 100 triệu đồng x 150% x 15%/năm x 01 năm = 22,5 triệu đồng.

– Lãi Trên Lãi Vay Quá Hạn = 10 triệu đồng x 10%/năm x 01 năm = 2 triệu đồng.

Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi chi tiết, vui lòng liên hệ LMP Lawyers.

Liên hệ tư vấn
(+84)2838224050