Hợp đồng vô hiệu và khởi kiện yêu cầu tuyên hợp đồng vô hiệu

Hợp đồng vô hiệu được xem là trường hợp thường gặp nhất khi các bên xảy ra tranh chấp và cũng là vấn đề phức tạp đối với cá nhân/doanh nghiệp khi tham gia các giao dịch Hợp đồng.

Hiểu được bản chất của hợp đồng vô hiệu sẽ giúp cá nhân/doanh nghiệp đảm bảo giao dịch dân sự có hiệu lực, không bị nhầm lẫn trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng. LMP Lawyers phân tích các khái niệm của Hợp đồng vô hiệu và những điều cần lưu ý khi khởi kiện Hợp đồng vô hiệu.

Tham khảo hợp đồng vô hiệu và khởi kiện yêu cầu tuyên hợp đồng vô hiệu tại link đính kèm

A. Khái niệm Hợp đồng vô hiệu

Hợp đồng vô hiệu là Hợp đồng không thỏa mãn các điều kiện có hiệu lực của Hợp đồng được xác định tương tự như với điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự quy định tại Điều 117 Bộ Luật dân sự 2015.

“Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

  1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
  2. a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
  3. b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
  4. c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
  5. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”

B. Các trường hợp Hợp đồng vô hiệu cụ thể

Từ các quy định chung, pháp luật cụ thể hóa các trường hợp dẫn tới Hợp đồng vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 129 và Điều 408 Bộ luật dân sự 2015. Theo đó, Hợp đồng vô hiệu khi rơi vào các trường hợp sau:

  1. Vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội;
  2. Vô hiệu do giả tạo;
  3. Vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện;
  4. Vô hiệu do bị nhầm lẫn;
  5. Vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
  6. Vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình;
  7. Vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức;
  8. Vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được.

C. Hậu quả pháp lý khi Hợp đồng vô hiệu và thời hiệu yêu cầu tuyên Hợp đồng vô hiệu

Căn cứ Điều 131 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hậu quả khi Hợp đồng vô hiệu tương tự như giao dịch dân sự vô hiệu.

“Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

  1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
  2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

  1. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
  2. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
  3. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.”

Trên thực tế, rất nhiều trường hợp Hợp đồng vô hiệu nhưng các bên không nhận thức được việc vô hiệu đó dẫn tới các bên vẫn tiếp tục thực hiện theo Hợp đồng. Do vậy, pháp luật quy định về thời hiệu tuyên Hợp đồng vô hiệu. Quá thời hiệu này, nếu một trong các bên không có yêu cầu tuyên Hợp động đồng vô hiệu thì Hợp đồng có hiệu lực. Đây là nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận của các bên.

Các trường hợp không hạn chế thời hiệu tuyên Hợp đồng vô hiệu:

“1. Vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội;

  1. Vô hiệu do giả tạo;”

Ngoài các trường hợp nêu trên, các trường hợp còn lại đều có thời hiệu yêu cầu tuyên Hợp đồng vô hiệu là 02 năm kể từ ngày Hợp đồng được xác lập.

D. Khởi kiện yêu cầu tuyên Hợp đồng vô hiệu

Khi biết được Hợp đồng vô hiệu hoặc nhận thấy việc Hợp đồng vô hiệu gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của mình, khách hàng có thể khởi kiện để yêu cầu Tòa án tuyên Hợp đồng vô hiệu.

Việc khởi kiện có thể được tiến hành thông qua Đơn khởi kiện tại Tòa án theo thủ tục tố tụng quy định tại Điều 186 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015.

Mặc dù hậu quả pháp lý của Hợp đồng vô hiệu đã được quy định tại Điều 131 Bộ luật dân sự 2015, tuy nhiên, do sự phức tạp của các giao dịch, liên quan đến nhiều cơ quan, nhiều bộ luật khác nhau nên trong một số trường hợp, Tòa án vẫn có các quan điểm khác nhau liên quan đến xử lý các Hợp đồng vô hiệu. Do đó, khi phát sinh tranh chấp về hợp đồng vô hiệu, Quý khách hàng nên tham khảo ý kiến của luật sư để đảm bảo tính chính xác.

LMP Lawyers tự hào là đơn vị pháp lý tham gia giải quyết thành công nhiều tranh chấp dân sự/ thương mại có giá trị lớn và phức tạp.

LMP tham gia tư vấn hợp đồng vô hiệu, viết thư tư vấn cho các doanh nghiệp khi giao kết Hợp đồng, tham gia soạn thảo Hợp đồng để đảm bảo tính có hiệu lực của Hợp đồng. Đồng thời LMP cử luật sư và đại diện khách hàng tham gia tố tụng trong trường hợp phát sinh tranh chấp.

Với những phân tích trên, hi vọng các cá nhân/doanh nghiệp có thể hiểu được về khái niệm Hợp đồng vô hiệu và có sự cân nhắc, tỉnh táo khi giao dịch dân sự và có hướng xử lý khi xảy ra tranh chấp liên quan đến Hợp đồng vô hiệu.

Lưu ý: Nội dung trình bày trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi yêu cầu tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ LMP Lawyers.

Liên hệ tư vấn
(+84)2838224050