Sau nội dung phân tích về điều kiện để một doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên và các chế độ ưu tiên cụ thể đối với các doanh nghiệp này theo pháp luật Việt Nam tại Phần 1, tiếp theo, tại Phần 2 của bài viết, chúng tôi sẽ trình bày về trình tự và thủ tục để một doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên.
(1) Hồ sơ đề nghị công nhận doanh nghiệp ưu tiên, gồm
a. Văn bản đề nghị theo mẫu;
b. Báo cáo tài chính đã được kiểm toán trong 02 năm tài chính liên tục gần nhất;
c. Báo cáo kiểm toán trong 02 năm tài chính liên tục gần nhất;
d. Bản kết luận thanh tra trong 02 năm gần nhất (nếu có);
e. Bản mô tả hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp trong đó mô tả đầy đủ quy trình quản lý, giám sát, kiểm soát vận hành thực tế toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, kiểm soát an ninh an toàn dây chuyền cung ứng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp;
f. Các giấy chứng nhận khen thưởng, chứng chỉ chất lượng (nếu có).
(2) Thẩm định hồ sơ của doanh nghiệp đề nghị áp dụng chế độ ưu tiên
Tổng cục Hải quan kiểm tra tính đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ hồ sơ của doanh nghiệp; đối chiếu thông tin doanh nghiệp cung cấp, thông tin thu thập về doanh nghiệp từ cơ quan thuế và cơ quan hải quan nơi doanh nghiệp có trụ sở chính và nơi doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu với điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định.
(3) Thẩm định thực tế tại doanh nghiệp đề nghị áp dụng chế độ ưu tiên
Trường hợp kết quả kiểm tra hồ sơ doanh nghiệp đáp ứng điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định, Tổng cục Hải quan sẽtiến hành thẩm định thực tế tại doanh nghiệp.
Nội dung thẩm định thực tế tại doanh nghiệp gồm:
(i) Đối chiếu kết quả kiểm tra thực tế với thông tin khai báo của doanh nghiệp;
(ii) Kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan để đánh giá việc tuân thủ pháp luật nếu trong thời gian 24 tháng liên tục, gần nhất tính đến thời điểm doanh nghiệp có văn bản đề nghị công nhận doanh nghiệp ưu tiên (“Ngày Đề Nghị“), doanh nghiệp chưa được thanh tra hoặc kiểm tra sau thông quan để đánh giá việc tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế. Thời gian kiểm tra sau thông quan tuân theo pháp luật hải quan.
Nếu trong thời gian 24 tháng liên tục, gần nhất tính đến Ngày Đề Nghị, doanh nghiệp đã được kiểm tra sau thông quan tại trụ sở doanh nghiệp để đánh giá việc tuân thủ pháp luật quy định tại Luật Hải quan, Tổng cục Hải quan chấp nhận kết luận kiểm tra đó.
* Thời hạn thẩm định
Trong thời hạn 35 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Tổng cục Hải quan thẩm định, kết luận về việc công nhận doanh nghiệp ưu tiên.
Tuy nhiên, vui lòng lưu ý rằng, trên thực tế, thời hạn thẩm định có thể dài hơn 35 ngày làm việc do khối lượng làm việc của cơ quan nhà nước tuỳ từng thời điểm hoặc do các sự kiện bất khả kháng.