DOANH NGHIỆP ƯU TIÊN – PHẦN 1: ĐIỀU KIỆN VÀ CÁC CHẾ ĐỘ ƯU TIÊN

Ngày 14/02/2023, Tổng cục Hải quan các nước ASEAN đã ký kết trực tuyến Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Chương trình doanh nghiệp ưu tiên (“Thoả Thuận Doanh Nghiệp Ưu Tiên“). Theo đó, trong khuôn khổ ASEAN, cơ quan hải quan của các quốc gia thành viên sẽ cùng nhau thiết lập các biện pháp nhằm tạo ra những thuận lợi trong lĩnh vực hải quan cho các doanh nghiệp ưu tiên. Theo Thoả Thuận Doanh Nghiệp Ưu Tiên này, khi một doanh nghiệp được Việt Nam công nhận là doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp đó sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về hải quan từ các nước ASEAN khác.

Vậy, điều kiện để một doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên theo pháp luật Việt Nam là gì và các chế độ ưu tiên cụ thể đối với các doanh nghiệp này ra sao? Đó sẽ là chủ đề sẽ được chúng tôi phân tích trong bài viết này.

  1. Doanh nghiệp ưu tiên là gì?

Theo Điều 3 Thông tư 72/2015/TT-BTC, doanh nghiệp ưu tiên là doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được cơ quan hải quan công nhận là doanh nghiệp ưu tiên.

  1. Điều kiện để được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên?

Để một doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp đó phải đáp ứng các điều kiện cụ thể như sau:

(a) Tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế

Trong thời hạn 02 năm liên tục, gần nhất tính đến thời điểm doanh nghiệp có văn bản đề nghị công nhận doanh nghiệp ưu tiên (“Ngày Đề Nghị“), doanh nghiệp không bị xử lý vi phạm về các hành vi sau:

(i) Hành vi trốn thuế, gian lận thuế; buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;

(ii) Vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan mà hình thức, mức xử phạt vi phạm đó vượt thẩm quyền Chi cục trưởng Chi cục Hải quan và các chức danh tương đương; và

(iii) Không nợ thuế quá hạn.

(b) Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu

Kim ngạch bình quân trong 02 năm liên tục, gần nhất tính đến Ngày Đề Nghị, không bao gồm kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu uỷ thác phải đạt:

(i) từ 100 triệu USD/năm trở lên đối với kim ngạch xuất nhập khẩu; hoặc 

(ii) từ 40 triệu USD/năm trở lên đối với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam; hoặc

(iii) từ 30 triệu USD/năm trở lên đối với kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản sản xuất hoặc nuôi, trồng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao, điều kiện kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu sẽ không được áp dụng.

(c) Thủ tục hải quan điện tử, thủ tục thuế điện tử

Doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thủ tục thuế điện tử, có chương trình công nghệ thông tin quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp theo yêu cầu kiểm tra của cơ quan hải quan.

(d) Thanh toán hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Doanh nghiệp phải thực hiện thanh toán đối với các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu qua ngân hàng theo quy định của ngân hàng nhà nước.

Doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo cho cơ quan hải quan số tài khoản, danh sách các ngân hàng giao dịch. 

(e) Hệ thống kiểm soát nội bộ

Doanh nghiệp phải đạt điều kiện về hệ thống kiểm soát nội bộ sau:

(i) Doanh nghiệp thực hiện và duy trì các quy trình quản lý, giám sát, kiểm soát vận hành thực tế toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp;

(ii) Doanh nghiệp có các biện pháp, phương tiện, quy trình kiểm soát nội bộ đảm bảo an ninh an toàn dây chuyền cung ứng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như sau:

(A) Theo dõi quá trình vận chuyển hàng hóa từ doanh nghiệp đến cảng và từ cảng về doanh nghiệp;

(B) Kiểm tra an toàn container trước khi xếp hàng lên phương tiện vận tải;

(C) Giám sát tại các vị trí quan trọng: Khu vực tường rào, cổng ra vào, kho bãi, khu vực sản xuất, khu vực hành chính;

(D) Phân quyền công nhân viên di chuyển, làm việc tại các khu vực phù hợp với nhiệm vụ;

(E) Kiểm soát an ninh hệ thống công nghệ thông tin;

(F) An ninh nhân sự.

(f) Chấp hành tốt pháp luật về kế toán, kiểm toán

Doanh nghiệp phải áp dụng các chuẩn mực kế toán theo quy định của Bộ Tài chính. 

Ngoài ra, báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp phải được kiểm toán bởi công ty kiểm toán đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập. Ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính nêu trong báo cáo kiểm toán phải là ý kiến chấp nhận toàn phần theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam.

  1. Doanh nghiệp ưu tiên được hưởng những chế độ ưu tiên nào?

Khi một doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được công nhận là một doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp đó sẽ được hưởng 07 chế độ ưu tiên sau:

Thứ nhất, miễn kiểm tra chứng từ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa

Chế độ ưu tiên này cho phép doanh nghiệp được miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc cơ quan hải quan kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá sự tuân thủ pháp luật.

Thứ hai, thực hiện thủ tục hải quan bằng tờ khai chưa hoàn chỉnh

Doanh nghiệp được làm thủ tục hải quan bằng tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan của cơ quan hải quan. 

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai, người khai hải quan cập nhật dữ liệu và các chứng từ có liên quan thuộc hồ sơ hải quan vào hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan của cơ quan hải quan. Trong trường hợp hệ thống dữ liệu điện tử của cơ quan hải quan gặp sự cố, doanh nghiệp được sử dụng tờ khai chưa hoàn chỉnh bằng giấy để làm thủ tục thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai, người khai hải quan nộp hồ sơ hải quan hoàn chỉnh cho Chi cục Hải quan nơi doanh nghiệp mở tờ khai. 

Thứ ba, ưu tiên thứ tự làm thủ tục hải quan

(i) được cơ quan hải quan ưu tiên kiểm tra thực tế hàng hóa trước bằng máy soi đối với trường hợp kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá tuân thủ khai báo hải quan.

(ii) được Chi cục trưởng Chi cục Hải quan trả lời doanh nghiệp bằng văn bản trong thời gian 8 giờ làm việc kể từ thời điểm phát sinh vướng mắc trong khâu thông quan.

(iii) được cơ quan hải quan và các cơ quan kinh doanh cảng, kho bãi ưu tiên làm thủ tục giao nhận hàng hóa trước, ưu tiên kiểm tra giám sát trước

(iv) được ưu tiên làm thủ tục xem hàng trước, lấy mẫu trước trong trường hợp doanh nghiệp có yêu cầu xem hàng hóa trước hoặc lấy mẫu trước.

Thứ tư, kiểm tra chuyên ngành

(i) được đưa hàng hóa nhập khẩu về kho của doanh nghiệp để bảo quản trong khi chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành, trừ trường hợp pháp luật kiểm tra chuyên ngành quy định hàng hóa phải kiểm tra tại cửa khẩu.

(ii) được ưu tiên lấy mẫu hàng hóa trước trong trường hợp cần lấy mẫu để kiểm tra chuyên ngành.

Thứ năm, thủ tục thuế

(i) Hoàn thuế: được hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với thuế xuất khẩu, nhập khẩu.

(ii) Thời hạn nộp thuế: được nộp thuế cho các tờ khai hải quan đã thông quan hoặc giải phóng hàng hóa trong tháng chậm nhất vào ngày thứ mười của tháng kế tiếp.

(iii) Thực hiện các thủ tục về thuế: được ưu tiên thực hiện các thủ tục về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế.

Thứ sáu, thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ

Được thực hiện nhập khẩu hàng hóa trước, khai hải quan sau đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ, nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng phục vụ sản xuất của doanh nghiệp ưu tiên mua từ kho ngoại quan.

Thứ bảy, kiểm tra sau thông quan

Được ưu tiên miễn kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, kể từ ngày doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên, cơ quan hải quan chỉ được quyền kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan không quá 1 lần trong 3 năm liên tục trên cơ sở quản lý rủi ro, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan.



Liên hệ tư vấn
(+84)2838224050