Định giá là gì? Vì sao phải định giá?

Hiện nay, trong hoạt động kinh doanh thương mại, tài chính, vai trò của định giá ngày càng trở nên được các chủ doanh nghiệp quan tâm và chú ý. Đặc biệt là trong các thương vụ mua bán và sáp nhập, việc định giá sẽ phần nào giúp chủ doanh nghiệp xác định được giá trị của công ty mình trên thị trường và không bị bỡ ngỡ trong quá trình đàm phán giá bán với nhà đầu tư.

A. Định giá là gì?

Theo khoản 5 Điều 4 Luật giá 2012: “Định giá là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quy định giá cho hàng hóa, dịch vụ.

Định giá tài sản là việc tư vấn, xác định các mức giá cụ thể cho từng loại tài sản làm căn cứ cho các hoạt động giao dịch mua, bán tài sản, hàng hóa, dịch vụ đó trên thị trường.

Trong tài chính và mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, định giá là quá trình phân tích xác định giá trị hiện tại (hoặc dự kiến) của một tài sản hoặc một công ty. Để xác định giá trị của một công ty, nhà phân tích thường căn cứ trên nhiều yếu tố như sự quản lí của doanh nghiệp, thành phần cấu trúc vốn của công ty, triển vọng thu nhập trong tương lai và giá trị thị trường của tài sản của công ty, cùng nhiều số liệu khác.

B. Vì sao phải định giá?

Việc định giá sẽ hữu ích cho chủ doanh nghiệp trước khi bắt đầu tham gia một thương vụ mua bán & sáp nhập, giúp chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư xác định giá trị nội tại của của công ty một cách hợp lý.

Tuy nhiên, khác với giá trị thị trường, để xác định giá trị nội tại của công ty, các nhà phân tích cần dựa trên doanh thu công ty trong tương lai hoặc một số đặc điểm khác về hoạt động kinh doanh, tài chính của công ty, không liên quan đến giá trị thị trường. 

Sau khi định giá, kết quả về giá trị nội tại của công ty được so sánh với giá trị thị trường để xác định liệu doanh nghiệp hoặc tài sản được định giá cao hay bị định giá thấp.

C. Hạn chế của việc định giá

Có nhiều phương pháp định giá để xác định giá trị công ty, từ phương pháp định giá đơn giản đến phức tạp, nên nhiều nhà đầu tư sẽ dễ bị phân vân bởi các kĩ thuật định giá.

Mỗi công ty có hoạt động kinh doanh khác nhau, và mỗi ngành hoặc lĩnh vực có những đặc điểm riêng đòi hỏi những phương pháp định giá khác nhau. Đồng thời, các phương pháp định giá khác nhau sẽ tạo ra các giá trị khác nhau cho cùng một tài sản hoặc công ty. Điều này làm cho các nhà phân tích phải cân nhắc xem xét và quyết định sử dụng phương pháp định giá phù hợp để cho kết quả hợp lí nhất.

Lưu ý: Nội dung trình bày trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi yêu cầu tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ LMP Lawyers.

Liên hệ tư vấn
(+84)2838224050