Đăng ký giao dịch ngoại hối để thực hiện chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài

Đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài là việc nhà đầu tư thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước các thông tin về nhà đầu tư, vốn đầu tư, tài khoản vốn đầu tư mở tại tổ chức tín dụng được phép để thực hiện hoạt động đầu tư tại nước ngoài và tiến độ chuyển vốn đầu tư bằng tiền ra nước ngoài theo quy định.

A. Hồ sơ và thủ tục đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài

1. Hồ sơ đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài

Căn cứ Điều 9 Thông tư 12/2016/TT-NHNN (“TT 12/2016”), hồ sơ đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài gồm:

– Đơn đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo mẫu;

– Bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Trong trường hợp người nộp hồ sơ nộp bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu, người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính;

– Bản sao tiếng nước ngoài, bản dịch tiếng Việt (có xác nhận của nhà đầu tư về tính chính xác của bản sao và bản dịch) văn bản chấp thuận hoặc cấp phép đầu tư do cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư cấp hoặc tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;

– Bản chính văn bản xác nhận của tổ chức tín dụng được phép về việc mở tài khoản vốn đầu tư của nhà đầu tư trong đó nêu rõ số tài khoản, loại ngoại tệ;

– Bản chính văn bản xác nhận của tổ chức tín dụng được phép về số tiền nhà đầu tư đã chuyển ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật đối với trường hợp đã chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;

– Văn bản giải trình về nhu cầu chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài bằng đồng Việt Nam đối với trường hợp chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài bằng đồng Việt Nam.

2. Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài

a) Nhà đầu tư phải đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài với ngân hàng Nhà nước:

– Sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư còn hiệu lực theo quy định của pháp luật;

– Sau khi hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép hoặc sau khi nhà đầu tư đã được cấp tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư phù hợp quy định pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư;

– Sau khi mở tài khoản vốn đầu tư tại tổ chức tín dụng được phép theo quy định tại Điều 5 của TT 12/2016 và trước khi thực hiện chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài.

b) Nhà đầu tư gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 01 (một) bộ hồ sơ đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 9 của TT 12/2016 đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 8 của TT 12/2016.

c) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu nhà đầu tư bổ sung hồ sơ.

d) Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xác nhận hoặc từ chối xác nhận đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ của nhà đầu tư.

e) Trường hợp từ chối xác nhận đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư, Ngân hàng Nhà nước có văn bản thông báo và nêu rõ lý do.

3. Cơ quan tiếp nhận và xử lý hồ sơ

a) Ngân hàng Nhà nước xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài đối với nhà đầu tư là tổ chức tín dụng.

b) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi nhà đầu tư không phải là tổ chức tín dụng có trụ sở chính hoặc nơi nhà đầu tư là cá nhân đăng ký thường trú hoặc nơi nhà đầu tư khác đăng ký kinh doanh xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài cho nhà đầu tư không phải là tổ chức tín dụng.

B. Phạm vi dịch vụ của LMP Lawyers, các rủi ro phát sinh nếu khách hàng tự mình thực hiện, ưu thế nếu được sự hỗ trợ của LMP Lawyers

1. Phạm vi dịch vụ

LMP Lawyers có thể hỗ trợ khách hàng thực hiện các công việc trong phạm vi sau đây:

(a) Tư vấn cho khách hàng các vấn đề pháp lý liên quan đến thủ tục;

(b) Chuẩn bị danh mục tài liệu và thông tin cần thiết để soạn hồ sơ đáp ứng quy định pháp luật và yêu cầu của cơ quan cấp phép;

(c) Thay mặt khách hàng nộp hồ sơ tại cơ quan cấp phép;

(d) Theo dõi tình trạng giải quyết hồ sơ, kịp thời trao đổi với chuyên viên xử lý hồ sơ khi có phát sinh các yêu cầu điều chỉnh bổ sung;

(e) Thay mặt khách hàng nhận kết quả và gửi kết quả cho khách hàng.

2. Các rủi ro phát sinh nếu khách hàng tự mình thực hiện

Với kinh nghiệm nhiều năm hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép, chúng tôi nhận thấy khách hàng có thể gặp các rủi ro sau đây nếu khách hàng tự mình thực hiện thủ tục:

(a) Việc các văn bản pháp luật quy định không rõ ràng hoặc một điều khoản của văn bản pháp luật này có thể được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hướng dẫn bởi các văn bản pháp luật khác có thể gây khó khăn cho khách hàng trong việc xác định cơ sở pháp lý áp dụng cho thủ tục. 

(b) Do không có kinh nghiệm kê khai hồ sơ, khách hàng có thể kê khai chưa đúng yêu cầu của luật và cơ quan nhà nước. Điều này làm cho khách hàng bị mất rất nhiều thời gian để hoàn thành thủ tục, ảnh hưởng tiến độ triển khai các kế hoạch kinh doanh của khách hàng. 

(c) Khách hàng xác định sai cơ quan thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ.

(d) Khách hàng không theo dõi sát sao tình hình xử lý hồ sơ, dẫn đến không thể xử lý kịp thời việc điều chỉnh, bổ sung hồ sơ khi có yêu cầu từ cơ quan cấp phép.

3. Ưu thế nếu được sự hỗ trợ của LMP Lawyers

Khi khách hàng được sự hỗ trợ của LMP Lawyers, khách hàng sẽ nhận được các ưu thế sau so với việc tự mình thực hiện:

(a) Tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong quá trình cấp phép, khách hàng chỉ cần cung cấp thông tin và tài liệu theo yêu cầu của chúng tôi.

(b) Thủ tục được thực hiện nhanh gọn và chính xác, tuân thủ đúng quy định pháp luật.

(c) Nhận được sự tư vấn, hỗ trợ nhiệt tình từ đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp của LMP Lawyers. 

Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi yêu cầu tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ LMP Lawyers.

Liên hệ tư vấn
(+84)2838224050